CAFECONTROL

Lâm Đồng: Nông dân Bảo Lâm lo “đầu ra” cây mắc ca

Lâm Đồng: Nông dân Bảo Lâm lo “đầu ra” cây mắc ca

So với các địa phương khác trong tỉnh, nông dân huyện Bảo Lâm tiếp cận với cây mắc ca khá muộn. Mặc dù việc triển khai trồng mắc ca theo hợp đồng và được nhà đầu tư hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật, nhưng sau hơn 4 năm trồng, nhiều bà con vẫn lo ngại về “đầu ra” của loại cây này.

vuon-macca-o-Loc-Nam.jpg

Vườn mắc ca đang cho trái bói của gia đình anh Bình (thôn 5, Lộc Nam)

Liệu có phải “đem con bỏ chợ”?

Năm 2009 và 2010, thông qua Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Đức Anh, nông dân 2 xã Lộc Nam và Lộc Thành (huyện Bảo Lâm) lần đầu tiên được tiếp cận với cây mắc ca và bắt đầu trồng xen loại cây này trong vườn cà phê. Diện tích mắc ca được xen canh hiện đã lên đến hơn 120ha. Trong đó, Lộc Thành trồng 80ha và Lộc Nam 42,7ha. Ông Đào Thế Vịnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thành, cho hay: “Địa phương có 60 hộ tham gia mô hình. Đến nay, cây sinh trưởng và phát triển rất tốt, bước đầu cho thấy rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng. Hiện tại, nhiều vườn cho trái bói”. Theo ông Vịnh, nông dân ở Lộc Thành rất hào hứng với loại cây này, do được phía Công ty Đức Anh cam kết bao tiêu sản phẩm, nên nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư. Thời điểm 2009, Công ty cung cấp 45.000 cây giống mắc ca, với giá thành 65.000 đồng/cây giống, Công ty trợ giống dưới hình thức bán thiếu cho nông dân 50%. Khoản nợ này, nông dân sẽ thanh toán cho Công ty vào mùa thu hoạch. Sự ràng buộc như thế khiến nông dân yên tâm phần nào khi tiến hành canh tác.

Tuy nhiên, ông Đào Duy Phi – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Nam, cho biết: “Sau khi Công ty tổ chức tập huấn và đưa giống về cho bà con nông dân, thì gần 2 năm sau chẳng thấy “bóng” của Công ty quay trở lại hỗ trợ kỹ thuật như đã hứa. Bà con chỉ dựa vào tập tài liệu hướng dẫn về cách trồng loại cây này được phía Công ty cung cấp, rồi cứ thế trồng và tự mày mò chăm sóc. Mãi đến gần giữa năm 2014, Công ty mới quay trở lại tổ chức hội thảo, đi thăm vườn của bà con và đặt vấn đề tiếp tục đầu tư!”. Trước thời điểm Công ty quay trở lại, nhiều bà con phân vân, lo ngại về “số phận” của loại cây này, nên đã có nhiều hộ dân không dám “mặn mà” với mắc ca, chỉ chăm cà phê mà gần như lãng quên sự hiện diện của cây này. Mặc dù không được chăm bón, tưới tắm, nhưng mắc ca (vốn là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc) vẫn sống và vẫn phát triển, tăng chiều cao đến “chóng mặt”. Ông Lưu Văn Tạng – Trưởng Chi hội Nông dân thôn 5 (Lộc Nam), cho biết: “Chỉ sau 3 năm trồng, cây đã cao hơn mái nhà. Nếu không kịp thời “hãm” chiều cao bằng cách tỉa ngọn để cây phân nhánh, thì cây sẽ che ánh sáng và hạn chế khả năng quang hợp của cà phê”. Anh Võ Văn Thiên (thôn 5, Lộc Thành), đã phải đốn gốc những cây mắc ca cao đến 5 mét để chăm lại từ đầu. Anh Thiên kể: “Bản thân tôi chỉ biết trồng, khi xem báo chí đưa tin về cách chăm mắc ca, mới biết phải đốn ngọn trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, nếu không cây sẽ quá cao!”.

Hiện tại, nhiều vườn mắc ca của nông dân Lộc Thành và Lộc Nam đã cho trái bói, nhà nhiều thì chục kg, ít thì 3 – 4 kg. Anh Ngô Văn Bình (thôn 5, Lộc Nam) trồng 165 cây mắc ca xen trong 3 mẫu cà phê, hiện đã thu hoạch trái bói, cho biết: “Vườn đã ra trái bói, nhưng chưa thấy Công ty đặt vấn đề thu mua như cam kết”. Tuy nhiên, do lượng trái bói còn ít, nên bà con chỉ dùng để ăn, vẫn chưa “sốt sắng” với việc tìm đầu ra. Qua câu chuyện, ông Lưu Văn Tạng và anh Ngô Văn Bình bày tỏ lo ngại về giá thành của sản phẩm. Theo ông Tạng, giá một kg mắc ca tươi hiện được nông dân nhiều vùng lân cận bán ra với mức giá dao động từ 180 – 220 ngàn đồng/kg. Phía Công ty Đức Anh, trong hợp đồng, cam kết thu mua theo giá thị trường, nhưng mức giá thị trường thế giới hiện tại chỉ từ 2,5 – 3 USD/kg, nên nhiều nông dân chưa biết sẽ được Công ty thu mua theo giá nào!

Cam kết thu mua theo giá thị trường

Đem vấn đề này trao đổi với bà Phan Thị Lâm – Giám đốc Dự án mắc ca các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (Công ty TNHH Đức Anh), bà cho biết: “Công ty hiện đã tiến hành thu mua trên 3 tấn trái bói mắc ca cho nông dân Di Linh với mức giá 100.000 đồng/kg thô”. Đây là mức giá, theo bà Lâm, đang giao dịch trên thị trường thế giới. Nếu chỉ bán ra với mức giá từ 20 – 25.000 đồng/kg thô thì nông dân cũng đã đạt doanh thu trên 380 triệu đồng/ha.

Lý giải về mức giá 180 – 220 ngàn đồng/kg mắc ca hiện đang được nông dân bán ra trên thị trường, bà Lâm cho rằng: “Đó là giá bán giống, không phải giá thu mua sản phẩm. Hiện tại, do mắc ca đang là cây trồng được bà con nông dân vùng Tây Nguyên ưa chuộng, nên nhiều nhà vườn thu hoạch mắc ca rồi nhân chồi giống hoặc bán hạt mắc ca giống với mức giá này!”. Trao đổi về tiến trình thu mua sản phẩm, bà Lâm cho biết: “Ở mỗi xã, Công ty sẽ bố trí 1 cộng tác viên. Đó là hộ dân có điều kiện xây dựng vườn nhân chồi, được Công ty chọn để chuyển giao kỹ thuật ghép giống mắc ca. Cộng tác viên này sẽ là trung gian giao dịch nguồn giống và thu mua sản phẩm giữa Công ty và bà con nông dân”.

Bà Lâm cam kết: “Chúng tôi làm ăn lâu dài với nông dân, vì thế chúng tôi rất trọng chữ tín”. Hiện tại, Công ty Đức Anh đã ký hợp đồng với nông dân trồng hơn 500ha (kế hoạch là 1.000ha). Trong số này, Di Linh (300ha) và Bảo Lâm (120ha) là những địa phương có diện tích mắc ca khá nhiều. Trong năm 2015, được sự hỗ trợ của Nhà nước, Công ty sẽ nhân rộng thêm 200ha tại Bảo Lâm (Lộc Thành: 100ha, Lộc Nam: 100ha) và cũng sẽ triển khai nhân rộng ở các huyện khác. “Để chuẩn bị cho quá trình đầu tư khép kín, từ đầu tư vùng nguyên liệu đến chế biến, hiện Công ty đang xin chủ trương xây dựng Nhà máy Chế biến hạt mắc ca, đặt tại KCN Tân Châu (Di Linh). Sản phẩm sau chế biến, theo hợp đồng với Công ty, sẽ được xuất sang Úc, Mỹ và các nước châu Âu” – bà Lâm cho biết.

Theo Báo Lâm Đồng Oline

Bài viết liên quan

Đăng ký ngay để nhận được thông tin sớm và chính xác nhất

    ĐĂNG KÝ NHẬN THÔNG TIN

    Hãy trở thành người đầu tiên hợp tác với chúng tôi
    02838207552
    Chat zalo
    Chat zalo
    Chat zalo Call Now Button