Mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19 lẫn từ thị trường khiến một số mặt hàng xuất khẩu bị sụt giảm như gạo, cà phê. Thế nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp của Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng khá. Trong thời gian tới, triển vọng xuất khẩu của ngành nông nghiệp sẽ ra sao?
Gạo, cà phê giảm – trái cây, điều, thủy sản, cao su tăng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng khối lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2021 đạt 638 nghìn tấn với giá trị 352 triệu USD, giảm 31,4% về khối lượng và giảm 18,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Cũng giống như gạo, xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm 2021 đạt 271 nghìn tấn và 474 triệu USD, giảm 18,5% về khối lượng và giảm 15,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi gạo, cà phê sụt giảm về khối lượng lẫn giá trị xuất khẩu thì các mặt hàng khác lại tăng khá. Hạt điều xuất khẩu đạt 75 nghìn tấn, giá trị 442 triệu USD, tăng 46,1% về khối lượng và tăng 21,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Do lượng điều xuất khẩu tăng mạnh, nên nhu cầu nhập khẩu điều thô nguyên liệu phục vụ cho chế biến càng lớn. Mặt hàng cao su xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2021 đạt 320 nghìn tấn và 516 triệu USD, tăng 89,9% về khối lượng và gấp 2,1 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản từ đầu năm 2021 đến nay đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu rau quả và trái cây từ đầu năm 2021 đến nay đạt 610 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi các mặt khác đều có sự thay đổi tăng giảm so với các tháng đầu năm 2020, mặt hàng đồ gỗ và lâm sản vẫn tiếp tục duy trì được “phong độ” suốt hơn 10 năm qua khi tiếp tục được “mạch” tăng trưởng về xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu lâm sản và đồ gỗ từ đầu năm 2021 đến nay đạt 2,44 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù có một số mặt hàng xuất khẩu giảm như gạo, cà phê song vẫn có nhiều mặt hàng xuất khẩu lại tăng mạnh: Rau quả và trái cây, thủy sản, điều, đồ gỗ và lâm sản, do đó kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp vẫn giữ được đà tăng. Tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp từ đầu năm 2021 đến nay vẫn đạt 6,17 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm: Xuất khẩu gạo từ đầu năm 2021 đến nay sụt giảm so với cùng kỳ năm 2020 do Philippines giảm mua gạo của Việt Nam trong tháng 1-2021, trong khi đó Philippines hiện là một trong những thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam, chiếm tới 48% tổng lượng gạo xuất khẩu. Mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu giảm, tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ được ở mức cao khoảng 551 USD/tấn, riêng loại gạo xuất khẩu sang Philippines tăng nhẹ, đạt trung bình khoảng 537 USD/tấn. Các mặt hàng khác: trái cây, thủy sản, điều “lấy” lại đà tăng trưởng về giá trị xuất khẩu là do các chuỗi cung ứng, trong đó có vận chuyển đã dần phục hồi sau hơn hơn một năm dịch Covid-19 bùng phát. Riêng mặt hàng rau quả và trái cây đã lấy lại “phong độ” do thời gian qua các mặt hàng này đã được các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu để gia tăng giá trị xuất khẩu. Hiện tỷ lệ rau quả và trái cây chế biến của Việt Nam đã đạt khoảng 25-28% tổng khối lượng xuất khẩu.
Đón nhận những tin vui từ thị trường
Cơ quan Hải quan và Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã ban hành quyết định về việc không có bằng chứng để kết luận một doanh nghiệp thuỷ sản lớn của Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với với tôm của Ấn Độ. Theo đó, CBP đã hủy bỏ quyết định đã ban hành ngày 13-10-2020 về việc áp thuế chống bán phá giá tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Công ty của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Vụ việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá lần này được CBP khởi xướng điều tra ngày 9-10-2019 dựa trên đơn kiện của Ủy ban thực thi thương mại tôm Hoa Kỳ (đại diện các nhà sản xuất tôm trong nước). Đây là tin vui đối với con tôm của Việt Nam.
Ngày 8-2-2021, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia đã ra thông báo chính thức hủy bỏ lệnh cấm nhập khẩu 4 loại cá da trơn ban hành ngày 7-1-2021. Hoạt động nhập khẩu 4 loại cá nói trên được thực hiện bình thường như trước đây. Trước đó, ngày 8-1-2021, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia ra thông báo dừng nhập khẩu 4 loại cá da trơn như: Cá tra, cá bớp, cá trê và cá lóc từ các nước láng giềng chung biên giới với Campuchia (trong đó có Việt Nam) nhằm bảo vệ thị trường cho các hộ nuôi cá của Campuchia.
Về nguyên nhân gạo xuất khẩu sụt giảm, theo Bộ NN&PTNT là do đầu năm chưa phải là cao điểm xuất nhập khẩu vì trước đó các khách hàng đã chủ động mua dự trữ cho kỳ nghỉ lễ dài ngày. Trong khi đó, nguồn cung trong nước ở mức thấp khi vụ Đông Xuân chưa thu hoạch rộ, cộng thêm giá lúa gạo đang ở mức cao khiến các doanh nghiệp thu mua và khách hàng nước ngoài đều có tâm lý chờ giá giảm. Ngoài yếu tố mùa vụ thì khó khăn trong vấn đề vận chuyển do thiếu hụt container rỗng, giá cước vận chuyển tăng cao trong thời gian qua cũng khiến hoạt động xuất khẩu gạo có nhiều hạn chế. Dự báo trong những tháng tới, xuất khẩu gạo được sẽ cải thiện tích cực hơn bởi tháng 3-2021 là thời điểm nông dân Đồng bằng sông Cửu Long-vựa lúa lớn nhất của cả nước thu hoạch vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, nguồn cung lúa gạo dồi dào có thể khiến giá lúa gạo trong nước giảm nhẹ. Mặt khác, việc Ấn Độ đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo với mức giá cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng gây áp lực lên giá gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Về triển vọng xuất khẩu nông, lâm sản và đồ gỗ, thủy sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Toản tỏ ra khá lạc quan: Dịch Covid-19 từng bước được Thế giới và Việt Nam kiểm soát. Đặc biệt với hàng loạt các FTA (Hiệp định thương mại tự do): EVFTA, UKVFTA, CPTPP, RCEP… mà Việt Nam đã tham gia ký kết mở ra nhiều cơ hội cho về xuất khẩu đối với các mặt hàng nông nghiệp. Do đó, xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục khởi sắc. Để tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu đồng thời giá tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp chúng ta sẽ cần tiếp tục có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung vào sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.