Nhiều doanh nghiệp cho biết, sau một thời gian đẩy mạnh mua gạo của Việt Nam theo đường tiểu ngạch qua biên giới, bất ngờ Trung Quốc đã thực hiện lệnh cấm biên. Tuy vậy, điều này vẫn không ảnh hưởng đến thị trường lúa gạo trong nước.
Trao đổi qua điện thoại với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Công Khanh, một thương lái kinh doanh gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc, ngụ tại Hải Phòng khẳng định: “Hiện chỉ có gạo chính ngạch được phép đi thôi, chứ gạo tiểu ngạch đã bị họ (Trung Quốc) cấm nhập rồi”.
Theo ông Khanh, lý do Trung Quốc cấm biên (không cho nhập khẩu) nhằm quản lý việc trốn thuế nhập khẩu gạo của các doanh nghiệp, chủ vựa mua gạo từ Việt Nam. “Các nhà buôn của Trung Quốc nhập gạo từ Việt Nam vào thường thì họ trốn thuế, cho nên chính quyền Trung Quốc cấm, không cho gạo vào nữa và sẽ thống nhất đưa ra một mức thuế để quản lý”, ông Khanh cho biết.
Bà Nguyễn Thị Tự, ngụ tại Hải Phòng – một thương lái khác chuyên cung cấp gạo cho các đầu mối phía Trung Quốc – cũng xác nhận phía Trung Quốc đang thực hiện lệnh cấm biên để ngăn chặn việc trốn thuế mua gạo của doanh nghiệp. “Tuy nhiên, thực tế người ta (Trung Quốc) vẫn đang có nhu cầu”, bà Tự nói.
Dù Trung Quốc đang thực hiện lệnh cấm biên nhưng theo một số người trong cuộc, điều này vẫn không ảnh hưởng đến diễn biến thị trường lúa gạo trong nước.
Theo ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), Trung Quốc chủ yếu mua gạo dẻo, gạo thơm nhưng các loại gạo này trong nước đã không còn nhiều. “Qua một số anh em trực tiếp xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc tôi được biết hiện nhu cầu của họ cũng không còn sôi động như mấy tháng trước”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội nghị “Bàn các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long – ĐBSCL” được tổ chức tại Cần Thơ hôm qua 5-8, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cho biết ông vẫn chưa nắm được thông tin Trung Quốc cấm biên đối với gạo tiểu ngạch.
Tuy nhiên, theo ông Năng, trường hợp Trung Quốc cấm biên cũng sẽ không thể tác động xấu đến diễn biến thị trường lúa gạo nội địa được bởi nguồn cung trong nước hiện rất khan hiếm và nhu cầu nhập khẩu của các nước khác ngoài Trung Quốc đang tăng mạnh.
“Chẳng hạn, Philippines đang có nhu cầu mua, Indonesia, Malaysia cũng đang xem xét nhập thêm, nên tôi nghĩ tình hình sẽ rất thuận lợi”, ông Năng dẫn chứng.
Về diễn biến thị trường nội địa, sau khi biến động nhẹ cách nay ít hôm, giá lúa gạo tiếp tục được giữ vững ở mức giá cao.
Cụ thể, tại ĐBSCL, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá dao động khoảng 7.650-7.700 đồng/kg và 7.700-7.800 đồng/kg đối với các giống hạt dài. Lúa IR 50404 tươi hiện được thương lái mua vào với giá dao động khoảng 5.000-5.200 đồng/kg tùy nơi.
Trong khi đó, giá chào xuất khẩu gạo cũng đã tăng trở lại mức cũ, sau khi giảm nhẹ cách nay mấy hôm. Cụ thể, gạo 5% tấm được chào bán với giá 465-475 đô la Mỹ/tấn; gạo 25% tấm có giá 415-425 đô la Mỹ/tấn.
Huỳnh Văn
TBKTSG