CAFECONTROL

Lợi nhuận từ trồng điều chỉ bằng 7% so với hồ tiêu

Lợi nhuận từ trồng điều chỉ bằng 7% so với hồ tiêu

Hiện giá xuất khẩu điều nhân gần tương đương với hồ tiêu, cao gấp 3 lần so với cà phê nhưng lợi nhuận người dân trồng điều chỉ bằng 20% so với người trồng cà phê, 7% với hồ tiêu, vì thế, mỗi năm có 15.000 héc ta bị người dân chặt bỏ để trồng cây khác.

tieu xanh.jpg

Lợi nhuận từ mặt hàng tiêu là rất cao (hình minh họa)

Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh có hơn 45.000 héc ta trồng điều với năng suất trung bình là 1,1 tấn/héc ta, giá bán 17.000 -30.000 đồng/kg.

“Diện tích trồng điều của tỉnh chiếm 16% diện tích đất nông nghiệp, 22% diện tích cây công nghiệp, nhưng hiệu quả kinh tế thấp, trong khi, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh là trên 90 triệu đồng/héc ta. Đây là khó khăn cho người trồng điều”, ông Chánh nói.

Theo ông Phan Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT) Đồng Nai, thống kê của sở cho thấy, lợi nhuận từ cây điều sau mỗi vụ chỉ ở mức 6,3 triệu đồng/héc ta, bằng 20% so với cà phê và 7% so với hồ tiêu. Tính ra, thu nhập từ cây điều thấp nhất so với các loại cây trồng khác ở Đồng Nai.

Ông Đạo cho rằng, về lâu dài rất khó duy trì diện tích trồng điều ổn định ở mức 45.000 héc ta như hiện nay vì người dân sẽ chặt bỏ để trồng cây khác mang lại lợi nhuận cao hơn. “Chuyện người dân chuyển từ điều sang cây trồng khác, cơ quan quản lý không làm gì được. Vì thế, để giữ vững diện tích điều hiện nay thì phải có cơ chế tốt cùng với đó giá bán điều thô phải cao”, ông Đạo nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết do Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào xây dựng được thương hiệu điều, thiếu đầu tư chế biến sâu nên giá điều thô không cao. “Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều chỉ có thể mua điều thô của người dân ở mức giá bình quân 20.000 – 22.000 đồng/kg. Giá này có thể bình ổn trong nhiều năm tới chứ không tăng lên được”, ông Thanh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN – PTNT, năm 2005 diện tích trồng điều cả nước là hơn 433.000 héc ta, nhưng đến năm 2013 còn hơn 313.000 héc ta, giảm 120.000 héc ta. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 15.000 héc ta trồng điều bị chặt bỏ, chuyển sang trồng cây trồng khác có giá trị cao hơn.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT), để duy trì được diện tích ở mức trên 300.000 héc ta điều trong những năm tới thì việc đầu tiên là phải nâng cao được năng suất cây điều, qua đó, giúp người trồng điều tăng thu nhập. Để làm được điều này, bắt buộc phải có giống tốt. Hiện năng suất điều trung bình cả nước là 0,94 tấn/héc ta. Mục tiêu, trong những năm tới, năng suất điều trung bình ở mức 1,7 tấn/héc ta.

“Vấn đề bây giờ là tạo ra những bộ giống điều tốt, bộ không hạn chế đầu tư về tài chính cho các trung tâm nghiên cứu, cũng như hỗ trợ tài chính để các trung tâm khuyến nông xây dựng được mô hình điều bền vững, qua đó, tăng được năng suất cây điều lên”, ông Doanh nói.

Ngày 12-6 tại Đồng Nai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT) đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phát triển sản xuất điều, ra mắt ban chỉ đạo phát triển điều bền vững. Lần này, hội nghị có sự tham dự của nông dân trồng điều, Cục trồng trọt,
Sở NN – PTNT các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ cùng tham gia để bàn giải pháp phát triển điều bền vững. Mục tiêu, xây dựng vùng trọng điểm 200.000 héc ta tại  4 tỉnh là Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận. Tái canh 60.000 héc ta điều già cỗi, nhiều sâu bệnh ở các tỉnh ở duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ cũng như tạo ra bộ giống điều có năng suất cao để thay thế những diện tích này.

Bài viết liên quan

Đăng ký ngay để nhận được thông tin sớm và chính xác nhất

    ĐĂNG KÝ NHẬN THÔNG TIN

    Hãy trở thành người đầu tiên hợp tác với chúng tôi
    02838207552
    Chat zalo
    Chat zalo
    Chat zalo Call Now Button