CAFECONTROL

Nhận định giá cà phê thế giới từ 19-24/04/2021: Xu hướng giá đường xa ngày càng khó đoán định

Nhận định giá cà phê thế giới từ 19-24/04/2021: Xu hướng giá đường xa ngày càng khó đoán định

Diễn biến thị trường cà phê tuần qua: Giá cà phê tăng nhẹ  

Tin tốt lành từ nền kinh tế hai nước mạnh nhất thế giới: tăng trưởng kinh tế quý 1/2021 của Trung Quốc tăng 18,3%, chỉ số bán lẻ tăng và lượng người thất nghiệp giảm tại Mỹ, kèm với lời hứa của Chủ tịch Fed chưa tăng lãi suất cơ bản đồng Usd trong thời gian dài, đã giúp giới đầu tư chứng khoán vững tin hơn. Chỉ số chứng khoán Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục lịch sử. Giá kim loại vàng và dầu thô đều rủ nhau tăng.

Không chỉ giá cổ phiếu và hàng hóa phái sinh lên, dòng vốn chảy về các sàn tiền ảo cũng mạnh. Bitcoin có lúc chạm trên 64.000 Usd/Btc vào ngày 14/04 khi công ty Coinbase niêm yết trên sàn Nasdaq. Đến sáng 17/04/2021, các sàn này gồm 4.990 loại đồng tiền ảo hút gần 2,27 nghìn tỷ Usd. Có thể nói rằng khi các đồng tiền ảo trỗi dậy, thị trường hàng hóa phái sinh nông sản bị “chia lửa” rất lớn vì hấp lực đầu cơ vào các đồng tiền ảo ngày càng mạnh giữa lúc nhiều người đang kiếm cách sinh lợi giữa đại dịch Covid-19 chưa được khống chế dù chương trình tiêm vắc-xin được tiến hành tích cực.

Chỉ số giá trị đồng Usd (DXY) thêm một tuần có kết quả giảm. Từ đỉnh cao nhất 93,33 điểm tính từ gần 5 tháng DXY chốt phiên cuối tuần trước tại 91,53 điểm. Các nhà phân tích và giới kinh doanh tài chính tin rằng DXY còn trong xu hướng xuống nếu như mất khu vực 91,20 điểm. Vùng thấp nhất của DXY lập vào đầu tháng 01/2021 quanh 89,50-90 điểm. Thời gian qua, giá hai sàn cà phê không thể xuống thấp có lẽ công lớn nhờ đồng Usd mất giá thể hiện qua DXY.

Chỉ số vận tải biển hàng khô (BDI) cuối tuần trước chạm 2.385 điểm, mức cao nhất tính từ hơn một năm nay (hình 1-bên trái). Nguyên cả tuần trước, BDI tăng 14,4% sau vụ tàu Ever Given mắc cạn tại kênh đào Suez, đường huyết mạch lưu thống hàng hóa giữa hai châu Á-Âu. Hơn nữa, tình trạng thiếu container rỗng và chỗ trống trên tàu làm giá cước tiếp tục tăng một cách căng thẳng cho đến nay.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Xuất khẩu cà phê Brazil và tồn kho cuối vụ

Niên vụ cà phê Brazil thường được tính từ đầu tháng Bảy năm trước và kết thúc vào cuối tháng Sáu năm sau. Chín tháng đầu niên vụ (07/2020-03/2021) ước đạt 31,41 triệu bao (bao=60 kgs). Nếu như lấy con số sản lượng vụ này là 60 triệu bao, trích ra chừng 20 triệu bao cho tiêu thụ nội địa, có thể thấy rằng nước này còn chừng 10 triệu bao dành cho xuất khẩu. Với chừng ấy cà phê, Brazil thừa sức cung ứng cho thị trường thế giới trong ba tháng cuối vụ. Tùy dự báo và tính toán yếu tố cung-cầu nội bộ, từng doanh nghiệp sẽ có con số tồn kho cuối vụ Brazil cho riêng mình. Giả sử ai đoán 65 triệu bao thì tồn kho mang sang vụ mới sẽ là 5 triệu bao.

Brazil đã bắt đầu thu hái cà phê robusta, sau đó đến arabica vào tháng Bảy. Con số bình quân của nhiều dự báo sản lượng cà phê Brazil niên vụ mới chừng 52 triệu bao, đa phần ước báo sản lượng robusta tăng chừng 10% nhưng arabica giảm 35%.

Xuất khẩu cà phê Việt Nam tháng 03/2021 tăng

Tổng cục Hải quan ước Việt Nam xuất khẩu chừng 169.424 tấn cà phê, tăng 38% so với cùng kỳ 2020. Như vậy, ba tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu chừng 456.010 tấn trị giá 809 triệu Usd, giảm 12,2% về lượng và 7% về giá trị so với cùng kỳ 2020.

Tồn kho khả dụng vùng Bắc Mỹ giảm

Hiệp hội Cà phê hạt Mỹ (GCA) báo tồn kho khả dụng tại Mỹ và Canada hết tháng 03/2021 giảm xuống còn 340.750 tấn so với 347.434 tấn của tháng trước đó. Trong số này bao gồm 5.510 tấn cà phê đạt chuẩn arabica thuộc sàn New York. Mỗi tuần cả vùng Bắc Mỹ tiêu thụ khoảng 36.000 tấn. Như vậy khối lượng tồn kho trên tiêu thụ được trong vòng 9,5 tuần.

Tồn kho cà phê Bắc Mỹ vào 06/2015 quanh mức 330 nghìn tấn, thì con số tháng trước chỉ cao hơn tháng thấp nhất 10 nghìn tấn. Đây có thể là một yếu tố tích cực cho giá tuần này, chủ yếu trên sàn arabica.

Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn ghi nhận trong đợt này: sàn arabica New York là 112.521 tấn so với tuần trước là 111.668 tấn trong đó chỉ chừng 5% nằm ở Mỹ, số còn lại ở châu Âu. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London tiếp tục giảm còn 146.520 tấn so với tuần trước là 147.420 tấn.

Giá cả

Sau một tuần tính đến 16/04, giá hai sàn cà phê tăng nhẹ. Riêng trên sàn robusta khi phát hiện lượng dư bán lớn trong tay, các nhà kinh doanh đã mua lại giúp giá London tăng giữa tuần. Kết quả chung cuộc như sau:

-Sàn robusta London tăng 17 Usd chốt tại 1.380 Usd/tấn với biên độ dao động 1.395-1.359.

-Sàn arabica New York tăng 2.05 cts/lb hay 45 Usd/tấn trong biên độ dao động 135.45-127.60.

-Giá cà phê loại 2 xuất khẩu chất lượng 5% đen vỡ biến động từ 32,3 đến 32,9 triệu đồng/tấn với 32,7 triệu đồngtấn chốt cuối tuần, tăng bình quân 0,4 triệu đồng/tấn so với tuần trước đó.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 19-24/04/2021: Giá chỉ bung khi vượt khung cũ.

HÌNH 2 – DIỄN BIẾN GIÁ CÀ PHÊ ROBUSTA LONDON CƠ SỞ THÁNG 07/2021

Đứng tại vị trí đóng cửa 1.380 với biên độ trong tuần là 1.395-1.359, có thể nói như sau:

-Vừa qua, dù sàn robusta có nhiều cơ hội tăng khi giá New York lên mạnh, chỉ số DXY giảm đều và đồng Brl của cặp tỷ giá UsdBrl mạnh lên, nhưng sàn London chỉ bằng lòng với hoạt động tích lũy như đã phân tích trong bài nhận định tuần trước (1).

-Không thoát khỏi 1.395, tình hình trở nên đáng ngại hơn. Tuy nhiên, xét rằng đáy 1.341 lập ngày 06/04 được nâng dần nên phần lo giảm bớt.

-Nguy cơ giảm giá sẽ xuất hiện một khi sàn này xuống và nhất là đóng cửa dưới 1.371 vì bấy giờ hình như London muốn quay lại 1.360 để gom thêm lực mua. Giả sử mất 1.359 thì bấy giờ chuẩn bị tinh thần cho đợt về 1.340-1.345.

-Cơ hội tăng giá một khi London vượt khỏi 1.395 với lượng giao dịch cực lớn do đã thử mức này nhiều lần nhưng đều thúc thủ. Chỉ như thế (vượt trên 1.395) mới đưa giá qua mức tâm lý quan trọng 1.400. Các quỹ đầu tư mua chống lỗ từ vùng 1.406 trở lên. Đóng cửa trên mức 1.406 này có thể tính đường lên thêm 30 Usd.

-Giao dịch tuần này sẽ được xem là hoạt động tích lũy nếu London không ra khỏi khung 1.345-1.395.

-Vị thế kinh doanh của các quỹ đầu tư lớn tính đến ngày khóa sổ 13/04 được báo tăng mạnh dư bán với trên 4 nghìn hợp đồng so với trước đó chỉ hơn 500 lô. Rất có thể tuần này họ sẽ tìm cách mua lại nhưng giá tăng mạnh hay yếu tùy lượng mua nhiều hay ít.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Khó đoán định đường dài.

Khi chưa bị các sàn giao dịch tiền ảo chia sẻ nhiều trên dòng vốn, các sàn nông sản nói chung và cà phê nói riêng còn có thể định hướng được thị trường trong vòng từ 6 đến 12 tháng hay xa hơn. Ngày nay, dòng vốn trên thị trường tài chính tha hồ chảy, không vào chỗ này thì ghé nơi khác, trong khi bình quân sản lượng cà phê Brazil trong những năm tới quanh mức cao 55-60 triệu bao (60 kg = bao) và nhất là khả năng tiếm ngôi đầu bảng về sản xuất và xuất khẩu robusta ngày một thấy rõ.

Mấy tháng qua, hiếm thấy lúc nào giá cà phê trong nước vượt khỏi 34 triệu đồng/tấn nhưng mức 32 triệu đồng/tấn rất thường bị đe dọa mất. Chính vì vậy, phải nói rằng kinh doanh cà phê hiện nay không còn như trước, tức có thể đầu cơ đợi giá lên hay mua sẵn chờ giá tăng mới bán.

Thị trường cà phê đã tiến đến mức hàng hóa hóa hay đúng hơn nên gọi là thương phẩm hóa (commoditization) cao độ vì giá bất kỳ một loại hàng hóa thương phẩm nào đều chịu sự chi phối của dòng vốn trên thị trường tài chính. Thời kỳ này cũng cho thấy rằng không phải trong tay có lượng hàng hóa khổng lồ là có thể chi phối hay “làm giá” được trên thị trường.

Chính vì vậy, người sản xuất cần chuyển rủi ro về giá cho nhà kinh doanh, tức sản xuất ra được hàng là phải tính toán đầy đủ giá thành và bán qua tay ngay cho nhà xuất khẩu nếu không muốn chịu rủi ro thua lỗ hay nhờ “giải cứu”. Còn phần nhà kinh doanh, họ có đầy đủ các công cụ để tự bảo vệ mình khỏi các thiệt hại trong giao dịch.

Thời gian qua, áp lực lên giá không hẳn là do cung-cầu mà chính là những người cầm nhiều tiền “tự tung tự tác”, không nhất định đầu tư vào một kênh riêng lẻ nào dù họ có yêu thích một mặt hàng nào đó.

Riêng về giá cà phê nội địa trong tuần này, dự đoán giá có thể xoay quanh mức 32,2-33,2 triệu đồng/tấn mà khó có thể kỳ vọng lên mức cao hơn.

Bài viết liên quan

Đăng ký ngay để nhận được thông tin sớm và chính xác nhất

    ĐĂNG KÝ NHẬN THÔNG TIN

    Hãy trở thành người đầu tiên hợp tác với chúng tôi
    02838207552
    Chat zalo
    Chat zalo
    Chat zalo Call Now Button